“Bạn ước mơ một công việc phù hợp với mọi lứa tuổi; làm việc khi mình thích; không ràng buộc thời gian; mà nhất là thu nhập lại cao. Chỉ với 5 phút mỗi ngày bạn sẽ có 50 USD một tháng và hơn nữa”.
Đây là một trong những mẩu quảng cáo tiêu biểu cho trào lưu kiếm tiền nhanh chóng trên mạng (quick money online) nở rộ trong vài năm vừa qua. Các trang web thi nhau mọc ra với những lời giới thiệu rất đường mật kiểu như bạn chỉ cần dành 5 phút mỗi ngày ngồi bấm vào các banner quảng cáo là ra tiền, thậm chí vừa … ngủ gật vừa bấm cũng ok. Chính người viết bài này cũng đã từng thử nghiệm khi còn là sinh viên và rút ra kết luận rằng: kiếm tiền nhanh chóng trên mạng chỉ là trò lừa đảo những sinh viên rỗng túi, nhẹ dạ, cả tin. Đó chẳng phải là hiện thực!
Hiện thực là đây
Tuy nhiên, với sự ra đời của web 2.0 và nhờ nó là sự lớn mạnh của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, MySpace…, có vẻ như triển vọng kiếm tiền của các bạn sinh viên ít tiền, thừa thời gian, hay các bà nội trợ muốn tranh thủ kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình, hoặc thậm chí là các nhân viên văn phòng trong lúc ngồi rỗi lướt web đang thật sự trở thành hiện thực.
Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ làm gì với 36.000.000 người sử dụng Facebook trong tháng 1/2009 chỉ riêng tại thị trường Mỹ? Tất nhiên bạn sẽ muốn có được sự chú ý của những con người đó nếu như bạn đang muốn bán một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Và tất nhiên bạn sẽ còn thích thú hơn nếu được tiếp cận với 72.000.000 người sử dụng MySpace trong một tháng cũng chỉ riêng tại thị trường Mỹ. Đó chính là lí do khiến cho rất nhiều các công ty trên thế giới muốn trả tiền cho những người sử dụng MySpace, Twitter, Facebook để họ thực hiện công việc… viết bài trên các mạng xã hội đó.
French, một bà mẹ trẻ người Mỹ ở nhà làm nội trợ và tranh thủ lướt Twitter khi hai đứa con say ngủ, nói với Tạp chí Time: “
Tại sao lại không tranh thủ kiếm tiền khi dùng Twitter nhỉ?”. Và chị tìm đến với Sponsored Tweets, một trang web kết nối các công ty với người sử dụng Twitter. Tại đây, người dùng Twitter có thể thiết lập tài khoản, ra một mức giá cho việc “quảng cáo” hộ trên Twitter và ngồi … chờ các công ty đến mời chào. Các công ty trên Sponsored Tweets sẽ quyết định chọn người nào và với mức giá bao nhiêu để quảng cáo hộ họ trên Twitter. Chỉ trong vòng một tháng hoạt động mà Sponsored Tweets đã chi ra đến hơn 100.000 USD cho người dùng Twitter, sau khi đã trừ đi 15% – 50% số tiền mà các công ty trả cho các cá nhân đó. Nhược điểm của Sponsored Tweets là nó chỉ dành cho người sử dụng Twitter chứ không dành cho người dùng của các mạng xã hội khác.
Một trang web khác là Xomba thì lại sử dụng một phương pháp gián tiếp hơn, nhưng phổ biến và rộng rãi hơn là kết hợp các mạng xã hội với Google Adsense. Vì Google là một công ty khổng lồ nên người dùng hoàn toàn có thể tin tưởng rằng nếu họ kiếm được tiền, số tiền đó sẽ về đến tay họ. Cách thức hoạt động của Xomba là như sau. Trước tiên, người dùng cần có tài khoản tại Google Adsense và tất nhiên là cả Facebook, Twitter hay MySpace. Sau đó, khi đăng nhập các mạng xã hội này, người dùng cần tìm xem những người trong mạng lưới của mình có những đường link nào rồi viết một đoạn ngắn (khoảng 50 từ) về đường link đó trên Xomba. Google Adsense sẽ đặt các mẩu quảng cáo theo từ khóa trong đoạn viết đó (gọi là Xomblurb). Theo cách này, người viết sẽ nhận được 50% số tiền mà Google Adsense trả khi có người click vào đường link đó. Đây là việc khá dễ dàng, vì không khó để viết 50 từ, có lẽ chỉ mất 5 phút, giống như trong lời quảng cáo ở đầu bài viết này!
Rào cản
Mặc dù khả năng kiếm tiền dựa trên xu hướng phát triển của các mạng xã hội là hoàn toàn có thật và có khả năng phát triển xa hơn nữa, tuy nhiên, hiện tại đã xuất hiện những cảnh báo có thể khiến cho tương lai của việc kiếm tiền trên mạng không phải là toàn màu hồng.
Rào cản lớn nhất cản trở khả năng kiếm tiền của các thành viên mạng xã hội cũng chính là lí do khiến cho các mạng xã hội, mặc dù có hàng trăm triệu thành viên, vẫn chưa thể kiếm được tiền từ quảng cáo, theo Brett Hurt, người sáng lập và Tổng Giám đốc của trang web Bazaarvoice, là: Sử dụng Facebook và Twitter cũng giống như là tham gia vào một bữa tiệc cocktail cực lớn. Nhưng vấn đề là không ai lại đi mua hàng khi đang dự tiệc cocktail.
Một chuyên gia khác thì nói: “
Vào thời điểm hiện tại, quảng cáo “xã hội” là bất cứ thứ gì trên các mạng xã hội mà người dùng không thèm để mắt tới”. Các mạng lưới xã hội cũng không dễ bán quảng cáo cho các công ty vì họ lo ngại hình ảnh và thương hiệu của công ty có thể bị hoen ố bởi các nội dung không phù hợp được đưa lên mạng xã hội hàng ngày.
Thêm nữa, khi trả tiền cho các thành viên mạng xã hội để họ ca ngợi sản phẩm, các công ty cũng sẽ phải chịu rủi ro lớn khi họ không thể kiểm duyệt được nội dung, trừ khi họ yêu cầu được xem trước. Một điều khác không kém phần quan trọng là các quảng cáo kiểu này có thể phản tác dụng, khi mà người ta biết chúng là quảng cáo đội lốt tâm sự thì họ có thể cảm thấy giống như bị phản bội, lừa dối.
Rào cản thứ hai là nguy cơ mất hết bạn bè của những người sử dụng mạng xã hội để quảng cáo. Các thành viên trong nhóm có thể sẽ mất niềm tin vào người đó và remove (gỡ bỏ) họ khỏi danh sách bạn bè. Thêm nữa, một khi quảng cáo, spam xâm chiếm các mạng xã hội thì sớm muộn gì người dùng cũng sẽ từ bỏ chúng. Tác giả bài viết cũng đành ngậm ngùi rời bỏ một trang blog nổi tiếng tại Việt Nam vì nhận được hàng trăm tin nhắn spam mỗi ngày.